Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Thắc mắc về thời gian tách sổ đỏ



Tách sổ đất là một trong những thủ tục phổ biến trong lĩnh vực đất đai. Thế nhưng, không phải ai cũng nắm rõ tường tận về quy định cũng như cách thức thực hiện thủ tục này.

Trong bài viết sau, chúng tôi sẽ tư vấn về vấn đề này qua một tình huống cụ thể của khách hàng.



KHÁCH HÀNG HỎI:

Gia đình em có thửa đất hơn 800m2 thổ cư, sổ đỏ đứng tên bố em. Đến năm 2012, bố em đã viết giấy tay cho anh trai em hơn 600m2 và em 200m2 (giấy tờ đã được tất cả anh chị em trong nhà ký kết và không xảy ra tranh chấp). Năm 2013 bố em mất. Đến năm 2014, anh em em mới đứng ra nhờ địa chính xã làm thủ tục tách hộ, chờ trong thời gian hơn 1 năm mà bên xã không tách được cho gia đình em. Em hỏi thì họ trả lời là đang làm và nói rằng do lúc bố em còn sống viết tặng 2 anh em nhưng giờ bố em mất rồi nên giấy tờ phải làm lại và thay đổi nên mất nhiều thời gian rồi có khuyên gia đình nên làm dịch vụ cho nhanh. Chúng em cũng đồng ý và họ nói là hết 10 triệu, trong đúng 2 tháng là có. Nhưng em có tìm hiểu thì được biết làm sổ mất 1 tháng rưỡi. Mà sau 2 tháng em liên hệ thì họ vẫn nói chưa xong và kéo dài thêm thời gian. Mong Luật sư có thể tư vấn cho trường hợp này của em. Em xin cảm ơn ạ!

TRẢ LỜI:

Về trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc viết giấy cho đất của bố bạn:

Như bạn có nói, khi còn sống bố bạn có viết giấy tay cho 2 anh em bạn đất. Giấy này có chữ kí của tất cả các anh chị em trong nhà và không xảy ra tranh chấp gì. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai thì các giao dịch liên quan đến đất đai phải được công chứng/chứng thực.

Thế nhưng, khi bố bạn cho đất đã không làm hợp đồng tặng cho và công chứng, chứng thực. Chính vì vậy, về mặt pháp lý giấy tờ viết tay đó không có giá trị pháp luật và toàn bộ mảnh đất đó vẫn là của bố bạn.

Khi bố bạn mất đi thì mảnh đất này trở thành di sản thừa kế. Và do không có di chúc nên sẽ chia theo pháp luật cho các con.

Trước hết bạn và các anh chị em trong nhà làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại Ủy ban nhân dân xã/phường rồi sau sang tên sổ đỏ tại chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Thứ hai, tư vấn về thủ tục thực hiện:

Đầu tiên, bạn đi khai nhận di sản thừa kế:

Bước 1: Người nhận thừa kế nộp hồ sơ khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng;
Bước 2: Công chứng viên kiểm tra tính xác thực của hồ sơ. Nếu thấy có vấn đề chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh, giám định;
Bước 3: Nếu hồ sơ hợp lệ, tổ chức hành nghề công chứng tiến hành việc niêm yết công khai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có di sản thừa kế trong thời hạn là 15 ngày;
Bước 4: Sau thời gian niêm yết nếu không có khiếu nại, tố cáo tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận văn bản khai nhận di sản thừa kế.

Và khai nhận di sản thừa kế xong thì bạn có thể tiến hành sang tên sổ đỏ.

Bạn có thể đến chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận/huyện nơi có đất để làm thủ tục sang tên. Hồ sơ sang tên cần có:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
Thông báo niêm yết tại Ủy ban nhân dân xã/phường;
Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (trong trường hợp không có di chúc);
Giấy chứng tử;
Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu, Giấy khai sinh của người nhận thừa kế;
Các tờ khai: Thuế thu nhập cá nhân, Lệ phí trước bạ, Đơn đăng ký biến động đất đai hoặc Đơn xin cấp đổi sổ nếu có nhu cầu đổi sổ mới (02 bản).

Thời gian sang tên sổ theo quy định của pháp luật là 15 ngày làm việc. Tuy nhiên, có thể từng địa phương lại có những đặc thù riêng nên thời gian giải quyết có thể kéo dài hơn so với thời gian quy định. Nhưng không vì thế mà có thể kéo dài thời gian giải quyết quá lâu của người làm thủ tục. Căn cứ vào quy định, người làm thủ tục cũng có thể kiến nghị, khiếu nại cơ quan làm thủ tục trong trường hợp cần thiết và hợp pháp.

> Xem thêm: