Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2022

Trình tự, thủ tục khởi kiện người quản lý trong công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Việc thành lập doanh nghiệp nhằm kinh doanh đem lại lợi nhuận cho chủ sở hữu và những người liên quan. Trong quá trình đó, việc xảy ra khúc mắc, bất đồng tranh chấp liên quan đến hoạt động kinh doanh thường xuyên xảy ra, đặc biệt trong loại hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Vậy thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên có được khởi kiện người quản lý trong công ty không và pháp luật về doanh nghiệp quy định như thế nào? Mời quý độc giả theo dõi bài viết sau đây.

Luật doanh nghiệp quy định về Người quản lý như nào?

Căn cứ quy định tại khoản 24 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020, quy định về người quản lý như sau:

“Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.”

Như vậy, chiếu theo quy định của pháp luật hiện hành người quản lý trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên bao gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ.

Trách nhiệm của người quản lý

Căn cứ điều 71 Luật doanh nghiệp 2020, quy định về trách nhiệm của người quản lý:

- Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên của công ty có trách nhiệm sau đây:

· Thực hiện quyền và nghĩa vụ một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty;

· Trung thành với lợi ích của công ty; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

· Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho công ty về doanh nghiệp mà mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp và doanh nghiệp mà người có liên quan của mình làm chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần, phần vốn góp chi phối;

· Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

Theo đó, người quản lý trong công ty TNHH 2 thành viên trở lên phải đảm bảo thực hiện công việc vì lợi ích tối đa của công ty, một cách trung thực, không lợi dụng, làm dụng quyền hành để tư lợi cá nhân, tổ chức khác. Đây làm một quy định rất chặt chẽ của luật doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và các cá nhân có liên quan.

- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được tăng tiền lương, trả thưởng khi công ty không có khả năng thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn.

Mặt khác, trong trường hợp công ty còn các khoản nợ đến hạn, nhưng không có khả năng thanh toán thì tài sản, doanh thu của công ty không được phép sử dụng để tăng tiền lương và trả thưởng cho người quản lý (là Giám đốc hoặc Tổng giám đốc). Quy định này nhằm bảo vệ bên thứ ba, tránh trường hợp có sự gian dối, che giấu để chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán với bên thứ ba.

Trình tự thủ tục khởi kiện người quản lý

Quyền khởi kiện

Căn cứ Điều 72 Luật doanh nghiệp 2020 quy định, như sau:

Thành viên công ty tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và người quản lý khác do vi phạm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý trong trường hợp sau đây:

· Vi phạm quy định tại Điều 71 của Luật doanh nghiệp 2020;

· Không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, thực hiện không kịp thời hoặc thực hiện trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên đối với quyền và nghĩa vụ được giao;

· Trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

Như vậy, đối với các trường hợp quy định cụ thể tại điều 71 Luật doanh nghiệp 2020; trường hợp người quản lý công ty thực hiện không đúng đủ, kịp thời howjc trái với quy định của pháp luật, và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty thì thành viên công ty tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với người quản lý công ty. Với quy định này, luật doanh nghiệp đã thể hiện rõ về đối tượng được khởi kiện, bị khởi kiện và các trường hợp có thể khởi kiện nhằm đảm bảo lợi ích của công ty.

Những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án

Theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì những tranh chấp sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án: “Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.”

Tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa án nhân dân cấp tỉnh.

3. Thành phần hồ sơ khởi kiện

- Đơn khởi kiện đảm bảo theo quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

– Giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu, sổ hộ khẩu gia đình. Nếu nhân danh công ty khởi kiện thì bổ sung thêm các giấy tờ về tư cách pháp lý của doanh nghiệp như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,…;

– Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp (nếu có).

4. Trình tự, thủ tục khởi kiện

Trình tự, thủ tục khởi kiện được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự:

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo nêu trên đến tòa án có thẩm quyền. Tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cứ trú, làm việc.

Bước 2: Xử lý đơn khởi kiện (theo quy định tại Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

· Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

· Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật dân sự 2015;

· Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

· Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Bước 3: Thụ lý vụ án

Căn cứ quy định tại Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

· Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí;

· Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí;

· Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí;

· Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.



Lưu ý: Theo quy định tại khoản 3 Điều 72 Luật doanh nghiệp 2020 thì chi phí khởi kiện trong trường hợp thành viên khởi kiện nhân danh công ty được tính vào chi phí của công ty, trừ trường hợp bị bác yêu cầu khởi kiện.

Quy định về mức án phí

Theo nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, mức án phí như sau:

- Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại không có giá ngạch: 3.000.000 đồng

- Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch:


a

Từ 60.000.000 đồng trở xuống

3.000.000 đồng


b

Từ trên 60.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng

5% của giá trị tranh chấp


c

Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng

20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng


d

Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng

36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng


đ

Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng

72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng


e

Từ trên 4.000.000.000 đồng

112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng

> Xem thêm: